Đau đầu có hai nhóm chính là đau đầu thứ phát và nguyên phát.
Đau đầu nguyên phát do các rối loạn cấp tính như căng thẳng, thiếu ngủ, làm việc quá sức, dinh dưỡng, sinh hoạt chưa khoa học.
Đau đầu thứ phát xuất phát từ các bệnh lý tiềm ẩn như thiếu máu não, viêm não, dị dạng, phình mạch máu não, đột quỵ, u não. Đau đầu có tần suất cao, kéo dài 15-30 ngày mỗi tháng là đau đầu mạn tính.
Nhiều người căng thẳng, đau đầu, mất ngủ nhẹ, có thể nghỉ ngơi, uống thuốc khỏi. Nhưng khi đau đầu, mất ngủ kéo dài, tái lại nhiều lần, người bệnh cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Người bệnh đau đầu đột ngột, tăng nặng, uống thuốc không bớt cũng cần đi khám.
Mất ngủ có ba nhóm gồm rối loạn mất ngủ ngắn hạn (cấp tính), rối loạn mất ngủ mạn tính và rối loạn mất ngủ khác.
Mất ngủ cấp tính xảy ra sau phản ứng stress cấp hoặc rối loạn cấp tính do môi trường sống, không kéo dài quá ba tháng. Mất ngủ mạn tính kéo dài trên ba tháng hoặc tần suất từ ba lần trở lên mỗi tuần, có thể cảnh báo các bệnh nguy hiểm như hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ, động kinh khi ngủ, mộng du, hội chứng béo phì giảm thông khí.
Đau đầu, mất ngủ kéo dài, tăng nặng, kèm các dấu hiệu bất thường như nôn, buồn nôn, tê yếu tay chân, khó thở, khó giữ thăng bằng, nói khó, mắt nhìn mờ là dấu hiệu nguy hiểm. Người bệnh cần khám sớm, làm các xét nghiệm chuyên sâu để tầm soát nguyên nhân và điều trị bệnh triệt để.
Người bệnh đau đầu, mất ngủ cấp tính cần điều chỉnh lối sống như nghỉ ngơi, tập thể dục, hạn chế stress, rượu bia, tránh sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử gần giờ đi ngủ. Vệ sinh giấc ngủ khoa học, giờ ngủ và thức ổn định, môi trường ngủ yên tĩnh, dùng tinh dầu xông, nghe nhạc, thiền, cũng có thể cải thiện các tình trạng này.
BS.CKI Trần Thanh Thúy, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nếu đã áp dụng các biện pháp trên vẫn không cải thiện, người bệnh nên đi khám để được đánh giá, điều trị.
Bác sĩ khám và có thể chỉ định thực hiện các cận lâm sàng xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh chuyên sâu để chẩn đoán bệnh chính xác. Trong đó, đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ tìm nguyên nhân gây mất ngủ cho người bệnh. Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ góp phần điều trị đau đầu, khó ngủ, mất ngủ.
Kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ gồm 8 điện cực não, có thể mở rộng lên 18 điện cực, giúp chẩn đoán các rối loạn giấc ngủ đặc thù trong bệnh lý thần kinh hoặc chẩn đoán phân biệt các trường hợp động kinh trong giấc ngủ. Từ đó, bác sĩ tổng hợp lại để có cái nhìn toàn diện về các đặc điểm giấc ngủ của từng bệnh nhân, đưa ra kết luận về bệnh lý trong giấc ngủ để có hướng điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Thúy, kích thích từ trường xuyên sọ là kỹ thuật điều trị không xâm lấn, sử dụng các sóng điện 3000-8000 ampe tạo ra một từ trường đủ mạnh (2-3 tesla) có khả năng đi xuyên qua hộp sọ. Từ trường khi tác động vào não tạo ra một dòng điện thứ cấp bên trong các tế bào thần kinh vỏ não. Dòng điện này kích thích các tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não đó. Từ đó, tác động vào não như “massage”, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Kích thích từ trường xuyên sọ an toàn, không gây đau, người bệnh không cần nhập viện.